“Thinh lặng” – Ta sẽ ngỡ ngàng khi đang sống trong một xã hội mà tiếng ồn chiếm phần chủ đạo: sự ồn ào của máy móc công nghiệp, ồn ào của những cuộc vui chơi thâu đêm suốt sáng, ồn ào của nội tâm giằng xé và ồn ào của những thay đổi gần như chóng mặt của xã hội và của con người… thì vị Linh mục – Hồng Y – Tổng trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích lại bàn đến một cách sống thinh lặng. Thinh lặng theo từ điển: là giữ im lặng, không nói gì, và theo Đức Hồng Y Robert Sarah: “Chính trong thinh lặng, chứ không phải trong náo động và ồn ào mà Thiên Chúa đi vào trong sâu thẳm nhất của bản thể chúng ta”. Phải chăng thao thức của người Kitô hữu là ước ao gặp được Thiên Chúa, để gặp được chính mình mà đến với tha nhân? Vậy bạn và tôi hãy cùng xem Sức mạnh của thinh lặng có giúp gì được cho chúng ta không? Tôi nghĩ chắc là có, vì Đức Hồng Y Sarah gợi ý: Hãy thinh lặng để nhận ra tiếng của Chúa, tiếng của tôi và tiếng của thế giới.
Chỉ trong thinh lặng mới nghe được tiếng Chúa: “Thiên Chúa không nói lên lời, nhưng tiếng của Người rất rõ”. Kinh nghiệm đức tin sẽ giúp mỗi người nhận ra Thiên Chúa luôn thinh lặng trong mọi lúc mọi nơi của mỗi kiếp nhân sinh, có đôi khi sự thinh lặng ấy khiến tôi không thể hiểu được làm sao có thể hiệp thông khi mà chỉ ‘độc thoại’. Bạn và tôi hãy nhìn tận sâu thẳm vào lòng mình và hãy chiêm ngắm dung nhan của Thiên Chúa, qua Đức Giêsu khi Người đối diện với bản án của quan tòa Philatô. Đức Hồng Y viết: “Philatô ngạc nhiên về sự thinh lặng và thái độ bình thản của Chúa Giêsu…”. Chúa Giêsu vẫn không nao núng, Người bình tĩnh và bình an đến nỗi có người nghĩ rằng Chúa chẳng nghe thấy gì; nhưng không, trong im lặng sâu thẳm, Chúa đã hiểu rất rõ về sự tin tưởng và phó thác vào Chúa Cha: “Lạy Chúa, nơi Ngài con trông cậy; lạy Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa sẽ đáp lời” (Tv 38,16). Kinh Thánh còn cho thấy một hình ảnh rất đẹp của sự thinh lặng, đó chính là Đức Maria. Với lời thưa xin vâng, Mẹ đã âm thầm cùng Con đi hết chặng đường, và sau ngày Chúa Phục Sinh, Mẹ vẫn âm thầm cầu nguyện cùng các tông đồ.
“Khi nội tâm đủ mạnh,
bạn và tôi mới biết
quý trọng thinh lặng,
và chính lúc đó,
lời nói không còn ý nghĩa nữa.”
Chỉ trong thinh lặng ta mới biết mình cần thinh lặng. Giờ đây trước Chúa Giêsu ta hiểu được rằng: thinh lặng không phải là chẳng nói gì, nhưng là nói tất cả; thinh lặng không còn là sự vắng mặt của lời nói, mà là sức mạnh của sự nhận thức nội tâm. Khi nội tâm đủ mạnh, bạn và tôi mới biết quý trọng thinh lặng, và chính lúc đó, lời nói không còn ý nghĩa nữa.
Chỉ trong thinh lặng ta mới thấu rõ tiếng ồn ào của xung quanh. Tiếng ồn từ bên ngoài và tiếng ồn bên trong khiến ta trở nên xa lạ với chính mình; vậy nên có đôi khi ta cần một khoảng lặng để lắng nghe tiếng hát của côn trùng, tiếng thở gấp của một người đang hấp hối, và hơn hết lắng nghe tiếng lòng đang thổn thức. Lắng nghe từ khoảng lặng để nhận ra ý Chúa trong cuộc đời, để nhận biết đâu là sự dữ do ma quỷ đang rình rập cám dỗ.
Chỉ trong thinh lặng ta mới biết quan tâm đến chọn lựa và đáp trả. Chúa không nói với tôi diện đối diện. Chúa nói mỗi khi tôi dừng lại chiêm ngắm Ngài. Tiếng Chúa thôi thúc lòng tôi và mời gọi tôi đến với Ngài qua Bí tích Thánh thể. Chúa mời tôi đáp lời Ngài khi mở rộng đôi tay đến với người nghèo, người cần được giúp đỡ, như kinh nghiệm của Mẹ Têrêsa Calcutta. Từ kinh nghiệm chiêm ngắm Chúa của các vị ẩn tu, Đức Hồng Y càng xác tín hơn sự cần thiết của hướng về Chúa và thinh lặng. Ngài cũng nhắc cho mỗi người: linh mục, tu sĩ hay giáo dân hãy ý thức hơn thái độ mà chúng ta có khi cử hành phụng vụ. Thinh lặng trong phụng vụ thánh, không phải là giây phút thừa thãi, mà là khoảng lặng cần thiết. Thinh lặng không làm giảm nét thánh thiêng, bởi vì ngôn ngữ của các mầu nhiệm là thinh lặng.
Sức mạnh của thinh lặng không chỉ lột tả nội lực của ngôn từ, mà còn làm sáng lên nội lực tự nhiên và siêu nhiên của những ai biết chọn dừng lại trong cô tịch, thanh vắng để nghe tiếng Chúa – ngẫm cuộc đời – nghĩ cho người, hầu thay đổi cách sống sao cho phù hợp với lời Chúa dạy. Cuối cùng ta có thể nói như tác giả: “Tắt một lời, Thiên Chúa hoặc hư vô. Bởi vì Chúa là đủ cho chúng ta”.
C.J