Mỗi lần tháng Năm về, nhìn các em nhỏ tung tăng trong đội dâng hoa, tôi lại thấy lòng mình xao động một cách lạ kỳ. Những đóa hoa bé nhỏ, những bước chân ngập ngừng, những bài hát quen thuộc vang lên trước tượng Mẹ như gọi dậy trong tôi cả một trời ký ức – ký ức của tuổi thơ gắn với Mẹ Maria, với kinh Mân Côi, và với lòng đạo đức thật thà nơi gia đình, xóm đạo.
Tháng Năm – đối với tôi khi ấy – là tháng của hoa và những lời kinh. Những đóa hoa đơn sơ: hoa huệ, hoa mướp, hoa mười giờ… được các bà, các chị hái từ vườn nhà, kết lại thành từng bó nhỏ dâng lên Mẹ trong những buổi rước. Tôi còn nhớ, cứ mỗi chiều tối là cả xóm lại rộn ràng chuẩn bị: tiếng tập hát vang lên ở sân nhà thờ, những tà áo dài trắng thướt tha, những ánh nến lung linh trong tay trẻ nhỏ. Không ai giảng dạy dài dòng về lòng mến Mẹ, nhưng qua từng hành động ấy, tôi đã hiểu thế nào là yêu mến Mẹ bằng cả tấm lòng.
Những hình ảnh ấy vẫn còn vẹn nguyên theo năm tháng, đặc biệt là những người già và những em bé quây quần bên tượng Mẹ, lòng tôi đầy tràn niềm vui và hy vọng. Những buổi chiều dâng hoa, những lời kinh Mân Côi, những dấu thánh giá nhẹ nhàng nhưng đầy tâm tình – tất cả đều là những dấu ấn của đức tin sống động trong từng gia đình, từng con người. Điều ấy không chỉ là một truyền thống, mà là một phần của đời sống đức tin, là những viên đá xây dựng đền thờ lòng yêu mến Thiên Chúa và Mẹ Maria.
Tuy nhiên, trong thế giới hôm nay, khi những thách thức và cám dỗ của cuộc sống hiện đại ngày càng mạnh mẽ, tôi không khỏi lo âu: liệu lòng đạo đức ấy có thể duy trì được không? Liệu những buổi tối quây quần gia đình cùng lần chuỗi, liệu những cuộc rước dâng hoa kính Mẹ còn giữ được không? Liệu các em nhỏ có còn hiểu rằng những việc làm ấy không chỉ là hình thức, mà còn là hành động dâng hiến, là một cách thể hiện tình yêu thương chân thành với Mẹ, với Chúa?
Tôi không viết điều này để than phiền, càng không phải để xét đoán. Nhưng tôi cảm nhận được một điều rất rõ: có một sự thiếu vắng thinh lặng, thiếu vắng chiều sâu nội tâm nơi nhiều tâm hồn. Lòng đạo đức ngày xưa – vốn được nuôi dưỡng bằng lời kinh gia đình, bằng những buổi tối lần chuỗi, bằng sự tôn kính đơn sơ nhưng thấm đẫm tình yêu dành cho Mẹ Maria – giờ đây nhiều khi bị thay thế bởi những bận rộn không hồi kết, bởi tâm lý sống vội và sống cạn.
Tôi thao thức khi thấy những hàng ghế trống dần trong các buổi kinh tối ở giáo xứ, thao thức khi thấy có những bạn trẻ không còn biết cách làm dấu cho đúng, thao thức khi chứng kiến những bậc cha mẹ đạo đức ngày xưa giờ loay hoay không biết làm sao để đức tin đến được với con cái mình. Không phải vì họ không còn tin Chúa. Nhưng giữa quá nhiều tiếng ồn của thời đại, tiếng Chúa dường như nhỏ đi, nhạt dần trong cuộc sống thường ngày.
Tôi thao thức, nhưng không bi quan. Tôi mang trong mình hy vọng. Hy vọng rằng, dù thời gian có trôi qua, dù thế giới có thay đổi, lòng đạo đức ấy vẫn sẽ sống mãi trong mỗi gia đình, mỗi giáo xứ. Hy vọng rằng, những người mẹ, người cha sẽ tiếp tục truyền lại cho con cháu những thói quen tốt đẹp: cầu nguyện mỗi sáng, mỗi tối; dạy con lần chuỗi, dâng hoa kính Mẹ; và quan trọng hơn cả, là sống đức tin mỗi ngày bằng những việc làm yêu thương và khiêm nhường.
Là tu sĩ, tôi được học thần học, được đào sâu đức tin bằng lý trí. Nhưng chính lòng đạo đức bình dân nơi những con người mộc mạc ấy lại là điều giữ tôi ở lại với ơn gọi. Họ không lý giải nhiều, nhưng họ sống điều họ tin. Họ không rao giảng, nhưng họ truyền đức tin qua từng cử chỉ nhỏ: một dấu thánh giá thật chậm, một lời kinh đọc rõ ràng, một bó hoa dâng Mẹ mỗi chiều.
Trong thinh lặng, tôi học nơi họ sự trung tín. Trong những việc nhỏ, tôi học nơi họ tình yêu lớn dành cho Mẹ Maria – người Mẹ hiền dịu luôn hiện diện trong từng nếp sống đạo của người dân quê.
Tháng Năm về, hoa lại nở. Và trong lòng tôi, cũng nở lên một ước ao: xin cho đời tu của tôi luôn giữ được vẻ đẹp đơn sơ như một đóa hoa dại – không phô trương, không rực rỡ, nhưng thắm đượm hương đạo đức – như lòng đạo đức của những con người tôi đã từng sống cùng, lớn lên cùng và mang ơn suốt đời.
M.Mad