Đấng Sáng Lập Dòng Thánh Phaolô Cha Joseph Schorderet (1840-1893)

Hội dòng

Cha Joseph Schorderet (1840-1893)

 

Joseph Schorderet sinh ngày 03 tháng 03 năm 1840, tại Bulle, thuộc bang Fribourg nước Thụy Sỹ, xuất thân trong một gia đình giản dị. Ông nội của cậu tên là Udalric, bố cậu là Joseph-Ignace và mẹ cậu là Françoise Berset.

Joseph là một đứa trẻ phát triển sớm, thông minh lanh lợi và đầy lòng đạo đức, có ước muốn làm linh mục từ nhỏ. Cậu cũng nếm cảm cảnh cực nhọc, nghèo khổ vì sự suy sụp tài chính của gia đình. Để kiếm thêm tiền học phí, từ 10 đến 13 tuổi, cậu làm việc như một công nhân lao động cho công trình xây dựng cầu Pont de la Glâne tại Fribourg.

13 tuổi, cậu là một học trò rất xuất sắc : được nhận học bổng 4 năm tại trường tiểu bang, khoa sư phạm, được chọn làm thư kí của nhà sư phạm nổi tiếng Alexandre Daguet, giám đốc của trường.

Khi học ở trường Collège Saint Michel, Joseph Schorderet được đầy sự thánh thiện, nhiệt tình nhờ tham gia vào Hiệp Hội sinh viên Thụy Sĩ và thường xuyên cầu nguyện với Đức Mẹ trong nhà nguyện Notre Dame des Ermites. Là một sinh viên trẻ, ngài nhận thấy “báo chí, truyền thông” thật là quan trọng. Ngài tham gia vào ban biên tập của các tạp chí. Ngài đưa ra những đường hướng chính với ba từ: Khoa học, Tiến bộ, Tự do, và tất cả đều được Tin Mừng soi sáng.

Năm 1862, ngài thi đậu vào Đại Chủng viện Fribourg. Tại đây, ngài có một cuộc “gặp gỡ” với Thánh Phaolô. Ngài say mê tư tưởng của Phaolô và say mê Tin Mừng. Ngày 24 tháng 02 năm 1866, ngài được truyền chức linh mục. Vì là người có tài hùng biện về giảng thuyết nên cha đã tham gia rất nhiều cuộc thuyết trình ở khắp nơi nhằm bảo vệ tự do của Giáo hội. Cha là người đi đầu trong 3 lãnh vực: báo chí, trường học và hoạt động quần chúng.

Bầu khí tinh thần và tôn giáo của nửa sau thế kỷ XIX ở Fribourg, cũng như ở châu Âu quả thật là một trong những yếu tố quan trọng định hướng hoạt động của vị linh mục Joseph Schorderet. Trước những vấn nạn lớn của Giáo hội và của thế giới, cha Joseph Schorderet quyết định dùng sức mạnh của báo chí để làm cho Đức Giêsu Kitô được nhận biết và để củng cố Triều đại tình yêu của Người. Cha nói: “Báo chí thay vì làm chúng ta xa cách Đức Giêsu Kitô, phải là phương tiện để sống với Người… Phải thanh tẩy báo chí”.

“Dân Kitô hữu bị đầu độc bởi báo chí xấu. Chúng ta có nhiệm vụ đưa báo chí trở lại đường ngay, phải “thanh tẩy” báo chí… Chúng ta hãy tận dụng vũ khí mạnh mẽ này để cứu rỗi thế giới! Chúng ta chỉ muốn chiến thắng để cứu rỗi, chỉ muốn đả thương lỗi lầm, nhưng con người thì chúng ta luôn yêu thương họ”. (16.12.1868, Lm. Joseph Schorderet)

Cha cộng tác chặt chẽ với Đức cha Mermillod, vị sáng lập tờ “Courrier de Genève [Tin Genève]”, để “tờ báo tôn giáo và quốc gia” này được phát hành một tuần ba lần. Cha lập ra tờ “Œuvre du Sou de la Presse [Công trình của Đồng xu Báo chí]” nhằm “truyền bá sự thật và đặc biệt là các giáo huấn của Tòa Thánh bằng mọi phương tiện mà báo chí có được, nhằm khôi phục mọi sự trong Đức Giêsu Kitô Thánh Thể, Vua bất tử muôn đời. Sự thật và Lòng thương xót.”

Việc phát hành một nhật báo Công giáo ở Fribourg trở nên nhu cầu cấp bách để soi sáng lương tâm Kitô hữu trước những tư tưởng được truyền bá bởi báo chí thù nghịch với Giáo hội. Vì thế, ngày 01 tháng 10 năm 1871, cha thành lập tờ “La Liberté [Tự Do]”, hiện nay vẫn còn đang xuất bản. Cha Schorderet còn ấp ủ một dự tính táo bạo: lập một Dòng Tông Đồ Báo Chí gồm có linh mục, nam nữ tu sĩ, trí thức, nhà văn, biên tập viên, sinh viên,… làm ngành in, sống theo tinh thần Thánh Phaolô. Qua vị tiên phong với trái tim rực lửa này, Thiên Chúa đã tỏ cho chúng ta thấy những ý định của Người về Hội dòng Thánh Phaolô tương lai, một Hội dòng sẽ có chỗ đứng trong đời sống Giáo hội.

Ngày 08.12.1873 Cha lập Hội Dòng Thánh Phaolô, còn gọi là ŒUVRE DE SAINT PAUL ở Fribourg. Những năm sau đó, Cha tiếp tục mở Cộng đoàn tại Ville D’avray, Rue De Lille, Bar Le Duc.

Là người say mê Đức Giêsu Kitô, đồng thời là con người táo bạo và tài năng, cha không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào, tin tưởng vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trí thông minh, trực giác và óc sáng tạo của cha chỉ để theo đuổi một mục đích duy nhất: Sống Đức Kitô và khôi phục tất cả trong Ngài. Cha cũng là một người có lòng nhân hậu: cha đã tha thứ cho người ám sát cha, không những thế cha còn cho họ làm việc trở lại trong nhà in. Cha là người có đời sống nội tâm sâu sắc và có tinh thần truyền giáo như Thánh Phaolô.

Sau 2 ngày lâm bệnh nặng, cha qua đời ngày 20.04.1893. Với 53 năm sống trên dương thế, cha đã để lại một nền tảng là Hội Dòng Thánh Phaolô và tất cả di sản thiêng liêng trong Hội Dòng này. Lời cuối cùng của cha là: “Jésus-Chirst! Son Amour! – Đức Giêsu Kitô! Tình yêu của tôi!”.