THƯ GỬI ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ – NGƯỜI CHA CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Suy Tư-Tản Mạn Hội dòng

Việt Nam, ngày 21 tháng 4 năm 2025 – Ngày Đức Thánh Cha trở về Nhà Cha

Kính gửi Đức Thánh Cha yêu dấu,

Con viết những dòng này trong thinh lặng của tâm hồn, giữa một buổi sáng của đất trời Hà Nội những ngày chớm nóng. Lòng con hướng về mái vòm Thánh Phêrô, nơi giờ đây vắng đi dáng hình thân thuộc mà suốt mười hai năm qua đã hiện diện như một ngọn đèn dịu dàng giữa cơn hỗn độn của thế giới.

Đức Thánh Cha kính yêu,

Con vẫn còn nhớ rất rõ giây phút năm 2013, khi Cha xuất hiện lần đầu trên ban công Đền Thờ Thánh Phêrô. Không áo choàng vàng, không nghi lễ phô trương, chỉ là một con người cúi đầu xin cộng đoàn chúc lành cho mình trước khi chúc lành cho cộng đoàn. Giây phút ấy, con không chỉ thấy một vị giáo hoàng, mà thấy một người cha, một người khiêm tốn đến thẳm sâu. Để rồi người cha ấy thực sự đã cúi xuống lắng nghe và chia sẻ mọi nỗi đau của con cái mình.

Cha đã yêu người nghèo, không phải bằng những kế hoạch viện trợ, mà bằng chính cái ôm dành cho người vô gia cư, bằng những bước chân đến trại tị nạn, bằng giọng nói run run khi nhắc đến những người bị thế giới lãng quên. Cha đã yêu Giáo hội, như một người mẹ mang vết thương, không hoàn hảo, nhưng là nơi chan chứa tình yêu của Thiên Chúa.

Cha đã làm cho con hiểu rằng lòng thương xót” không phải là một khẩu hiệu dễ nói trên tòa giảng, mà là một cách sống – sống để tha thứ, sống để mở lòng, sống để cúi xuống với những ai khốn cùng. Bao người trẻ đã trở lại nhà thờ, bao người đã tìm lại được ý nghĩa cuộc đời, chỉ vì họ thấy trong Cha một người không lên án, nhưng đồng hành và nâng đỡ.

Con không biết rồi đây lịch sử sẽ nhớ đến Cha như thế nào: một nhà cải cách, một nhà thần học của môi trường, hay người thăng tiến đối thoại liên tôn giáo. Nhưng với con, Cha là một người đã lặng lẽ gieo hy vọng. Một người đã khiến con yêu Giáo hội một lần nữa – không phải vì Giáo hội hoàn hảo, mà vì Giáo hội biết mình cần lòng thương xót.

Đôi khi con tự hỏi: có phải vì Cha từng là một người trẻ bị bệnh nặng, từng có những năm tháng hoài nghi, từng ngồi với những người tù tội – nên Cha mới hiểu sâu đến thế những vết nứt trong tâm hồn con người? Và có lẽ, chính nơi đó, Cha đã để cho ánh sáng của Chúa Kitô len vào – để rồi Cha trở thành ánh sáng ấy cho chúng con.

Trước khi có Cha, con từng nhìn Giáo hội như một thành lũy kiên cố và chắc chắn, nhưng lạnh lùng. Là tu sĩ, con yêu mến Giáo hội, nhưng đôi lúc tình yêu ấy pha chút e dè, như thể đang yêu một người quá nghiêm nghị để có thể thực sự gần gũi. Nhưng rồi, Cha đã đến, và dạy con nhìn lại. Cha dạy con rằng sự thánh thiện không nằm nơi tách biệt, mà nơi nhập thể – sống giữa, sống cùng, sống vì người khác. Cha cho con thấy rằng thương xót không phải là hạ mình, mà là nâng người khác lên đến tầm nhân phẩm của họ – nơi mà Thiên Chúa đã đặt họ bằng tình yêu.

Bằng cách nào đó, Cha đã làm con nhìn lại ơn gọi của mình. Cha giúp con can đảm sống chân thành hơn với bản thân, mềm mại hơn với tha nhân, và trung thực hơn với Thiên Chúa. Con không còn phải tỏ ra nghiêm nghị để giữ “kỷ luật tu trì,” mà học cách bước đi cùng chị em mình – như Cha đã từng bước đi với cả thế giới.

Con cũng không biết mình sẽ nhớ Cha nhất ở điều gì: là nụ cười nhăn nheo nơi khóe mắt? Là chiếc giày đen cũ kỹ? Là cái ôm dành cho người bị ghẻ lở trên phố? Hay là những lần ngài chỉ nói: “Hãy cầu nguyện cho tôi.”

Nhưng con biết rõ một điều: Con sẽ sống phần đời còn lại của mình, trong ơn gọi nhỏ bé và thầm lặng, với một câu ở sâu trong lòng:“Giáo hội không phải là nơi của người hoàn hảo. Mà là nơi của lòng thương xót.” Và con sẽ sống, để làm cho lòng thương xót ấy được hiện diện – như chính Cha đã làm.

Đức Thánh Cha ơi,

Lá thư này con viết không phải để tiếc thương, vì con tin Cha đang mỉm cười nơi Thiên đàng – nụ cười dịu dàng từng in trên khuôn mặt khi Cha ôm một em bé, hay thì thầm với một người tù, hay đơn giản là khi Cha ngồi lặng yên nhìn hoàng hôn rơi trên Quảng Trường. Lá thư này là một lời cảm ơn. Cảm ơn vì đã sống đời giáo hoàng như một người anh em giữa đàn chiên. Cảm ơn vì đã không ngừng nhắc con đừng sợ lòng thương xót, đừng đóng cửa lòng mình, đừng ngại bắt đầu lại.

Con tin rằng trái tim Cha – trái tim đã từng mệt mỏi vì những gánh nặng, đã từng thổn thức vì chiến tranh, vì đói nghèo, vì chia rẽ trong Giáo hội – giờ đây đã được nghỉ yên trong trái tim vô biên của Thiên Chúa.

Giờ đây, khi Cha đã trở về Nhà Cha, con cảm nhận một nỗi lặng sâu trong lòng. Không ồn ào. Không nước mắt. Chỉ là một khoảng trống nhẹ nhàng – như khi ánh nắng rút khỏi căn phòng nhưng hơi ấm vẫn còn trên vai áo.

Xin hãy tiếp tục cầu nguyện cho chúng con, như Cha từng thì thầm trong mỗi bài giảng: “Đừng quên cầu nguyện cho tôi.” Giờ đây, đến lượt chúng con nói với Ngài: “Xin cầu bầu cho chúng con nơi Tòa Thiên Chúa.”

Với lòng yêu mến sâu xa, cho con được nhìn và ôm Cha một cái ôm thật chặt. Ngủ ngon Cha nhé!

 

 

M.Mad

Tin liên quan: