Với Đức giáo hoàng Phanxicô, “Thượng Hội đồng” (Synod) và “hiệp hành” (synodality) đã trở thành đồng nghĩa. Kể từ khi Đức giáo hoàng Phaolô VI thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục như một cơ quan thường trực vào năm 1965, chưa có triều đại giáo hoàng nào dành nhiều quan tâm và chú ý đến những vấn đề này như Đức giáo hoàng Phanxicô. Tại sao lại như vậy, và tầm nhìn của Đức Phanxicô đối với một Giáo hội hiệp hành là gì? Cơ bản hơn, theo truyền thống của Giáo hội và Đức Phanxicô thì hiệp hành là gì? Vài năm sau các tiến trình và các cuộc họp đào tạo theo kiểu hiệp hành địa phương và hoàn vũ, dường như nhiều người, ngay cả những vị lãnh đạo nổi tiếng của Giáo hội, sẵn sàng thừa nhận rằng họ vẫn chưa hiểu đầy đủ về tính hiệp hành. Vì lý do này, bài viết nhằm cung cấp một cái nhìn tổng quan và giới thiệu về hiệp hành.
Tôi sẽ bắt đầu bằng cách giải thích rằng ý định của Đức giáo hoàng Phanxicô là đưa Thượng Hội đồng Giám mục vào trong một nền văn hóa hiệp hành hoạt động trong Giáo hội Công giáo. Sau đó, tôi sẽ tiếp tục đề xuất tầm nhìn của Đức Phanxicô về một tiến trình cải cách Thượng Hội đồng là cần thiết, dựa trên kinh nghiệm cá nhân của tôi khi tham gia Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XIII vào năm 2012, là Thượng Hội đồng cuối cùng diễn ra dưới thời Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI. Cuối cùng, bài viết sẽ lập luận rằng Đức giáo hoàng Phanxicô đang thực hiện tầm nhìn cải cách Giáo hội của Công đồng Vatican II, và do đó, tầm nhìn của ngài về một Giáo hội hiệp hành về cơ bản là một giai đoạn mới trong việc tiếp nhận Công đồng Vatican II.