TÔI VIẾT TIẾP ĐỜI MÌNH BẰNG NÉT CHỮ CỦA TIN MỪNG

Hội dòng Suy Tư-Tản Mạn

Ơn gọi dâng hiến, cũng như các ơn gọi khác, là sáng kiến đến từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, người sống đời thánh hiến còn được mời gọi để trung thành sống tròn đầy căn tính của mình hơn bằng việc không ngừng trau dồi bản thân để “nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô cách triệt để hơn” (x. Rm 8,29). Là nữ tu Dòng Thánh Phaolô Thiện Bản, tôi từng ngày cảm nghiệm rằng: ơn gọi của tôi được định hình và thăng tiến không đơn thuần chỉ bởi số lần khấn hứa, nhưng đúng hơn, bởi sự khao khát nên “người phục vụ Tin Mừng” (Ep 3,7) ngày càng được xác tín qua việc tuyên khấn tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm, theo linh đạo có lẽ đơn điệu trong tính chuyên biệt nhưng đầy giá trị cho hành trình nên môn đệ Đức Kitô của tôi.

Với hồng ân đức tin đã được hưởng nhờ từ cái nôi gia đình và được nuôi dưỡng trong đời sống Giáo Hội, đặc biệt nơi Hội Dòng, tôi được đánh động để “sống Đức Kitô”[1] trong tâm trí và mọi mối tương giao.

Trước hết, với ý thức mình là Kitô hữu – người đã lãnh nhận Tin Mừng là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người (x. Ga 1,14), tôi xác quyết mình không dừng lại ở tương quan ngoại tại của việc nhận lãnh nhưng phải tiến sâu hơn vào tương quan nội tại với chính Đấng đã vâng phục vì tình yêu cho đến cùng với Thiên Chúa và cho tôi, bằng việc “mặc lấy những tâm tình của Người” (x. Pl 2,6-7). Trong tiến trình này, sự hoán cải nội tâm là điều rất cần thiết giúp tôi nhận thực mà từ bỏ những tâm tưởng không phù hợp với đường lối Chúa và với căn tính nữ tu để canh tân chính mình, hầu nên người hoàn toàn tự do sống với hồn Kitô trong ơn gọi mà Người đã ban cho tôi. Theo đó, điều không thể thiếu nữa là sự cậy nhờ vào ân sủng của Người vì “nhờ ân sủng, tôi được mời để giao ước với Người, dâng lên Người một lời đáp trả tin yêu với trọn tâm hồn mà không ai có thể thay thế được.”[2]

Tiếp đến, vì tin rằng mình được sinh ra trong tương quan của Thiên Chúa, một tâm hồn đong đầy Tin Mừng như thế thúc bách tôi lan tỏa niềm vui chân thật ấy cách cụ thể nơi chính sự tương giao với những người sống cùng và sống với mình. Một mặt, sự trao ban mang dáng dấp Tin Mừng phải được thực hiện trong sự thật, bác ái và tự do của người được mời gọi để tiếp nối công trình cứu độ của Người cho muôn người chứ không chỉ bảo toàn ơn huệ ấy cho chính mình. Mặt khác, sự trao ban ấy phải được thực hiện cách bền bỉ và tế nhị để Danh Chúa cả sáng và ý Chúa được thể hiện thay vì khuynh hướng quy ngã. Cách đặc biệt, trong bối cảnh xã hội toàn cầu hóa như hiện nay, để thực thi linh đạo rất riêng của Dòng là “sống Đức Kitô và quy tụ tất cả trong Người, qua hoạt động tông đồ bằng sách báo, in ấn, theo nghĩa rộng nhất”[3] hầu “làm cho muôn người thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện”[4], tôi càng tự phản tỉnh để tích cực dấn mình nên “muối và ánh sáng” (Mt 5,13-14) cho đời bằng lối sống thuyết phục và thực chứng trong mọi lựa chọn cơ bản của mình, qua sự truyền thông bằng lời nói thật thà để xây dựng và bao dung để chữa lành, sự đối thoại đồng cảm để thấu hiểu chứ không đồng lõa để thỏa hiệp trong sự xấu, lối xử sự khôn ngoan không phải để xét đoán nhưng để đón nhận những dị biệt chính đáng[5] của người khác, thinh lặng để lắng nghe và duyệt xét lại lương tâm dưới ánh nhìn của Chúa và Lời Người, khởi đi từ chính đời sống cộng đoàn đến tha nhân mà tôi được gặp gỡ…

Hiểu được vậy, tôi tự nhủ bản thân phải học lấy sự hiền hậu và khiêm nhường với Chúa (x. Mt 11,29) để sống Khiết tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục đúng nghĩa trong đời sống thiêng liêng với Người và trong đời thường với người cùng sống. Theo đó, nhờ biết mình là môn đệ, tôi luôn vững tâm theo sau Thầy. Nhờ biết mình được gọi để hiện diện giữa lòng nhân loại trong tình liên đới với sự thấu cảm, tôi không chỉ đứng ngoài để quan sát cách hờ hững hay đứng cạnh để chỉ đạo hoặc chỉ trích, nói xấu, nhưng can đảm đi vào những tương quan cũ với người chị em cũ mà tôi chưa thật yêu mến trong tư cách mới của người được Chúa yêu để dám trân quý họ như “bản thân thứ hai” của mình.[6]

Với tâm tình của Năm Thánh Hy Vọng mà tôi đang bước cùng với chị em nơi Hội Dòng, tôi nhủ thầm mỗi ngày sẽ nắn nót từng nét chữ “Phúc” (x. Mt 5,3-12) của Tin Mừng để mong viết tiếp đời mình trong đời dâng hiến theo linh đạo và sứ vụ của Hội dòng, bằng niềm xác tín mạnh mẽ (2Tm 1,12), niềm trông cậy vững vàng (x. Pl 4,13) và tình yêu tuyệt đối nơi Thầy Chí Thánh (x. Rm 8,35), lòng hăng say phục vụ Thiên Chúa và lợi ích của Giáo Hội (Pl 1,21), hầu khôi phục triều đại của Đức Giêsu Kitô trong xã hội. Để từ đây, trước là, tôi thành tâm hoàn thiện mình nên công trình và tác phẩm độc đáo của Thiên Chúa (x. St 1,26), sau nữa, để nên như bức thư Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại (x. 2Cr 3,3) và cùng được trở nên công trình, nên tác phẩm và bức thư thân tình của Thiên Chúa cho những người chưa nhận biết Chúa như Vị Tông Đồ dân ngoại xưa đã làm, nhất là trong thế giới đầy những biến động và xu hướng của thời đại đa nguyên và đa văn hóa hiện nay.

MI.

[1] Hiến Chương Dòng Thánh Phaolo Thiện Bản, Tài liệu số 1, (Nội Bộ, 2003), 188

[2] X. Sách Giáo Lý Của Hội Thánh Công Giáo, Ủy Ban Giáo lý Đức Tin, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2012), 357

[3] Hiến Chương Dòng Thánh Phaolo Thiện Bản, (Nội Bộ, 2003), 1

[4] Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Lumen Gentium, Ủy Ban Giáo lý Đức Tin chuyển ngữ, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2012), 2

[5] X. Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Gaudium Et Spes, Ủy Ban Giáo lý Đức Tin chuyển ngữ, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2012), 92

[6] Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Gaudium Et Spes, Ủy Ban Giáo lý Đức Tin chuyển ngữ, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2012), 27

Tin liên quan: