Tiêu đề của tác phẩm cảm hứng từ trường thi bất hủ Hài kịch thần linh của đại thi hào Dante [đọc là Đan-tê], trong đó bảy sườn của ngọn núi Thanh Luyện ứng với bảy mối tội đầu. Tuy vậy, Ngọn núi bảy tầng của Thomas Merton lại có ý nghĩa tích cực. Ngọn núi ám chỉ hành trình tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng trổi vượt trên mọi thụ tạo. Bảy tầng không chỉ ngụ ý đến những giai đoạn thăng trầm trong cuộc đời của tác giả, vốn được Thiên Chúa dẫn dắt bằng sự Quan Phòng kín đáo và tinh tế, ngang qua những biến chuyển văn hóa và xã hội ở hai bờ Đại Tây Dương; bảy tầng không chỉ muốn nói tới những mâu thuẫn nội tâm dưới sự tác động của các ý thức hệ tư tưởng và chính trị trong bối cảnh Đệ nhị Thế chiến, để rồi chính ông với khả năng lãnh hội tri thức và biện phân xuất sắc, sẽ nhận ra Chân Lý đích thực của đức tin mà từ đó trở lại đạo Công giáo; bảy tầng, trên hết, chính là nỗ lực tìm kiếm khôn nguôi sự hiện diện của Đấng Tự Hữu trong suốt cuộc đời và ơn gọi của tác giả.
“Trong cuộc đời này, chúng ta không thể nào chiếm hữu được hoàn toàn Thiên Chúa, và chính vì thế, chúng ta vẫn mãi lên đường, và lên đường trong bóng tối tăm dày đặc.”
Lời tự sự của tác giả khiến ta không thể không nghĩ tới Thánh Âugustinô:
“Con còn phải ra đi bao xa nữa để tìm được Ngài, lạy Chúa, nhưng đồng thời trong Ngài, con đã đến nơi rồi!”
“Đến nơi”, một cách nào đó đối với Merton là tìm được ơn gọi mà Chúa đã gieo vào lòng ông từ thuở đời đời.
Là tu sĩ, tôi đặc biệt để ý tới hành trình ơn gọi chiêm niệm của tác giả. Như bất cứ người trẻ nào đứng trước ngưỡng cửa cuộc sống phải làm một chọn lựa định hướng, Thomas Merton ở tuổi đôi mươi, sau khi nhận được ơn đức tin, đã ôm ấp trong mình ước mơ trở thành linh mục. Bước chuyển trong ơn gọi của Merton – khi ấy đang là giáo sư đại học – đó là nhận ra “phương Bắc đích thật” của đời mình hoàn toàn đối nghịch với một “phương Bắc đầy cuốn hút” với những toan tính nhân loại vốn đang che lấp đi tiếng gọi thật sự, nhưng khe khẽ, sâu thẳm của Thiên Chúa trong tâm hồn ông.
“Thiên Chúa hẳn phải dùng một đường lối nào đó mà tôi không thể hiểu được. Người không hề muốn những sở thích tự nhiên, những ham muốn nhất thời, và những chọn lựa của tôi, cho đến khi Người hoàn toàn tác động trên chúng, để tách biệt chúng ra khỏi dấu vết cũ, ra khỏi những lề thói ngày xưa, và hướng chúng đến với Người. Chúa không thể nào chỉ cậy vào tôi để chọn lựa cho tôi một lối sống: vì chưng cái bản ngã ích kỷ của tôi đã luôn tự chứng tỏ và đòi làm chủ nhân ông để chi phối toàn bộ ơn gọi của tôi khi mơ tưởng một tương lai đầy đủ mọi loại khoái lạc và thoả mãn tự nhiên.”
Đúng vậy, ơn gọi không phải là sáng kiến của tôi, rằng tôi không thể chọn nó trong muôn dạng đời sống dâng hiến trong Giáo hội như thể tậu một xe máy mới khi tham khảo một quyển ca-ta-lô theo sở thích và khả năng cá nhân. Để chọn lựa đúng, không gì hơn là trở về nơi sâu thẳm lòng mình, nơi mà Chúa đã gieo vào trong ta ước muốn dâng hiến đời mình cho Người mà thôi, để rồi tự hỏi Người muốn gì nơi tôi. Chỉ khi ấy tác giả mới nhận ra đâu là điều mình cần để hiện thực hóa ơn gọi:
“Điều tôi cần, đó là sự cô tịch, để lớn lên theo chiều rộng và chiều sâu, và để sống đơn sơ dưới cái nhìn chăm chút của Thiên Chúa, gần giống như một cây con trổ lá dưới ánh thái dương. Điều đó có nghĩa là tôi cần một luật dòng gần như hoàn toàn có mục đích giúp tôi thoát ly với thế gian để kết hiệp tôi với Thiên Chúa, chứ không phải một luật dòng được soạn ra để làm giúp tôi thích hợp hơn với công việc tranh đấu cho Thiên Chúa trên trần gian này.”
Cái nhìn chăm chút ấy, luật dòng ấy, tác giả đã tìm thấy trong một đan viện dòng kín Tráppít. Nương mình sau bốn bức tường của đan viện, cuộc tìm kiếm Thiên Chúa vẫn tiếp tục, vì một sứ mạng quá đỗi lớn lao mà Chúa dành cho những người bạn thiết thân với Người:
“Chúa đã nắm lấy toàn thể vũ trụ này mà quay tròn, quay tròn và rồi ném vào lòng con. Chúa lại cột chặt một nửa thành phố New York vào đôi chân con, như thể người ta xích hòn sắt vào chân tù nhân vậy. Chúa đã bắt con quỳ gối phía sau cây cột đằng kia, và đầu óc con đầy những tiếng ồn ào huyên náo như thể tiếng động của một chiếc máy bay nghiêng cánh. Có phải đó là chiêm niệm không, ôi lạy Thiên Chúa của con ?”
Trên đây chỉ là đôi nét chấm phá thay lời giới thiệu tác phẩm. Chắc chắn chúng không thể lột tả hết chiều sâu của quyển tự thuật được xem là đã để lại nhiều ảnh hưởng tốt lành trong lòng độc giả trong và ngoài Công giáo hơn 70 năm qua, được xác nhận phần nào từ số lượng hàng triệu bản tiêu thụ và được dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Ấn bản tiếng Việt được chăm chút cả nội dung lẫn hình thức này là công trình làm việc năm năm trời của nhóm Biên dịch Sept-Fons, vốn được độc giả Công giáo trong nước biết đến những ngăm gần đây qua những tác phẩm tu đức của Cha Jérôme.