“Cuộc sống của chúng ta là một cuốn sách, mà tiếc thay, nhiều người lại không đọc, hoặc họ đọc quá muộn trước khi chết. Tuy nhiên, chính trong cuốn sách đó, người ta tìm thấy điều mà họ tìm kiếm một cách vô vọng ở những nơi khác…”. Vậy, đã bao giờ chúng ta kể lại cuộc đời mình cho ai chưa?
Bằng lối nói giản dị rất đặc trưng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dẫn độc giả đi trong một hành trình đầy ấn tượng, đầy cảm xúc, bắt đầu từ sự bùng nổ Thế Chiến Thứ Hai, khi vị Giáo Hoàng tương lai Jorge Mario Bergoglio chưa được ba tuổi cho tới nay, để gửi đi những thông điệp mạnh mẽ về các chủ đề nền tảng: như đức tin, gia đình, sự nghèo khổ, đối thoại tôn giáo, thể thao, các tiến bộ khoa học, hòa bình, và nhiều chủ đề khác… Tất cả đều được Đức Thánh Cha Phanxicô tái hiện lại một cách chân thực và đầy sống động trong cuốn sách “Cuộc đời – Câu chuyện của tôi trong lịch sử”.
Ấn phẩm bao gồm hồi ký của một linh mục về sự diệt chủng kinh hoàng của Đức Quốc Xã đối với người Do Thái, những trái bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, cuộc đảo chính của Videla ở Argentina, sự sụp đổ của bức tường Berlin, cuộc Đại suy thoái kinh tế năm 2008, biến cố từ chức của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI và mật nghị bầu ngài làm Giáo hoàng với danh hiệu Phanxicô.
Đức Thánh Cha cho rằng: “Đọc lại câu chuyện cuộc đời của chính chúng ta là việc quan trọng để ghi nhớ, và để có thể truyền đạt điều gì đó cho bất kỳ ai lắng nghe”. Thật vậy, khi lật lại những trang sách của cuộc đời mình, bằng cái nhìn xuyên qua cửa sổ về quá khứ để ôn lại những sự kiện quan trọng và nghiêm trọng nhất mà nhân loại đã trải qua trong 80 năm qua, một lần nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô giúp chúng ta suy ngẫm về những biến cố đó để hiểu rõ hơn hiện tại
của mình.
Hãy học cách yêu thương- đó là bài học quan trọng nhất mà chúng ta có thể học, bởi vì tình yêu chinh phục tất cả. Đức Thánh Cha cho rằng: “Biết bao điều rất có thể đã khác đi trong 80 năm lịch sử vừa qua nếu tình yêu và lời cầu nguyện đã thúc đẩy con người, chứ không phải là sự khao khát quyền lực”. Vì vậy, dù sống ở thời đại nào, học cách yêu thương vẫn luôn là lời mời gọi tha thiết nhất của Đức Thánh Cha. Ngài xác tín rằng: “Nếu chúng ta không học cách khóc, không học cách làm chứng cho tình người, thì chúng ta không thể trở thành những Kitô hữu tốt” (tr.153).
Cho đến phần cuối của cuốn sách này, một hành trình xuyên qua lịch sử mang tên Cuộc Đời. Vâng, lịch sử ấy vẫn còn được viết tiếp…