Là một Kitô hữu sống trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, tôi từng không ít lần đối diện với những câu hỏi: “Làm sao bạn có thể tin vào Chúa trong khi khoa học đã giải thích gần như mọi thứ?”, hoặc thậm chí tôi tự hỏi: “Nếu đã có Big Bang, thuyết tiến hóa, thì còn chỗ nào cho Thiên Chúa nữa không?”. Chính trong những giằng co nội tâm đó, cuốn sách “Khoa học và Đức tin” đến với tôi như một người bạn đồng hành đầy thấu hiểu và nâng đỡ.
Ngay từ những trang đầu tiên, tôi cảm thấy được đồng cảm sâu sắc. Tác giả – một linh mục đồng thời là một nhà vật lý, không cố gắng “bảo vệ tôn giáo” bằng cách hạ thấp khoa học, cũng không thần thánh hóa tri thức như một thứ tôn giáo mới. Ngài nhẹ nhàng nhưng kiên quyết mở ra một cuộc đối thoại khiêm tốn, trong đó khoa học được nhìn nhận như một món quà Thiên Chúa ban, còn đức tin là ánh sáng giúp ta hiểu đúng và sống trọn vẹn với món quà ấy.
Với kiến thức sâu rộng cả về vật lý lẫn thần học, tác giả cho thấy các tiến bộ khoa học không hề phủ nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, mà ngược lại, làm sáng tỏ vẻ đẹp, sự hài hòa và trật tự kỳ diệu trong công trình tạo dựng. Kinh Thánh không phải là một bản mô tả khoa học, mà là một cuốn sách nói về chân lý siêu việt – điều mà khoa học không thể đo lường được.
“Khoa học và Đức tin” không chỉ là một cuốn sách, nhưng còn là một chứng từ khiêm tốn và mạnh mẽ về khả năng gặp gỡ giữa hai con đường tìm kiếm chân lý: khoa học và tôn giáo. Trong một thời đại mà con người dễ bị cuốn vào chủ nghĩa duy lý hoặc rơi vào đức tin thiếu nền tảng, tác phẩm này như một nguồn ánh sáng giúp tái xác định lại căn tính của người tín hữu sống giữa lòng thế giới hiện đại.
Một trong những giá trị nổi bật của cuốn sách là tính ứng dụng cao trong sứ vụ giáo dục đức tin, đặc biệt trong môi trường học đường, giới trẻ, sinh viên hay các nhóm tân tòng. Tác phẩm giúp: người giảng dạy có thêm ngôn ngữ đối thoại mới mẻ, tránh những giáo huấn khô cứng hay tách biệt với đời sống thực tế; giải thích các khúc mắc hiện đại về đức tin một cách hợp lý, thuyết phục mà không mất chiều sâu thiêng liêng; Làm phong phú nội dung giảng dạy nhờ các câu chuyện sống động về các nhà khoa học có đức tin như Louis Pasteur, Georges Lemaître…
Cuốn sách cũng giúp tôi khơi lại một điều tưởng như đã bị đánh mất: khả năng chiêm ngắm thế giới bằng đôi mắt của người tin. Khi khoa học khám phá trật tự, vẻ đẹp, sự tiến hóa và các định luật của vũ trụ, tôi không còn thấy đó là “bằng chứng chống lại Chúa”, mà ngược lại, như tác giả gợi mở, tất cả những điều ấy chỉ ra một Đấng khôn ngoan đã sắp đặt mọi sự với tình yêu.
Tác giả cũng làm dịu lại những căng thẳng âm thầm giữa lòng trí và đức tin, điều mà nhiều người trẻ Công giáo hôm nay đang mang trong lòng. Tác phẩm không trả lời mọi câu hỏi một cách dứt khoát, nhưng đưa ra một thái độ, một hướng đi: đối thoại, lắng nghe, và tìm kiếm.
Mong sao đức tin của tôi và của những người đang tìm kiếm – không phải là một gánh nặng phải giữ, mà là một kho tàng đáng để chia sẻ. Và khoa học, thay vì là mối đe dọa, sẽ là người bạn đồng hành trung tín, giúp tôi thêm lòng thán phục và yêu mến Đấng tạo dựng muôn loài./.
M.Mad