Khi lần đầu tiên đọc cuốn sách “Lịch sử các Năm Thánh trong dòng lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma” của Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, tôi cảm thấy háo hức và tò mò về cách tác giả sẽ lột tả những năm tháng quan trọng của Giáo hội Công giáo trong bối cảnh hiện tại. Đặc biệt, khi cuốn sách được đọc trong thời gian Năm Thánh 2025, nó càng làm tôi cảm nhận sâu sắc hơn về sự thiêng liêng và ý nghĩa của các Năm Thánh, không chỉ trong lịch sử, mà còn trong đời sống đức tin hiện tại của mỗi tín hữu.
Cuốn sách được chia thành nhiều phần, mỗi phần tập trung vào các Năm Thánh qua các giai đoạn khác nhau trong lịch sử Giáo hội Công giáo. Ngoài việc trình bày các sự kiện, linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng còn khéo léo kết nối chúng với những biến động xã hội, văn hóa và chính trị của từng thời kỳ, tạo ra một bức tranh toàn diện về các Năm Thánh.
Cuốn sách bắt đầu bằng một cuộc hành trình qua các Năm Thánh trong dòng lịch sử của Giáo hội Rôma, từ những năm đầu tiên của Giáo hội cho đến các Năm Thánh thời gian gần đây. Đọc cuốn sách trong bối cảnh Năm Thánh hiện tại, tôi không thể không liên tưởng đến các mốc quan trọng trong lịch sử của Giáo hội mà Linh mục Phêrô Nguyễn Thanh Tùng đã khắc họa. Các Năm Thánh được tác giả trình bày như những cột mốc không chỉ đánh dấu thời gian, nhưng còn là lời nhắc nhở để Giáo hội nhìn lại đời sống đức tin, qua đó củng cố tình yêu thương và sự hiệp nhất giữa các tín hữu.
Đặc biệt, cuốn sách đã giúp tôi nhận ra Năm Thánh là một thời điểm đặc biệt trong đời sống tín hữu, nơi mỗi người được mời gọi nhìn lại và làm mới lại đức tin của mình. Dù là Năm Thánh đầu tiên của Giáo hội trong thời kỳ của các Giáo hoàng, tiêu biểu như trong thời kỳ của Giáo hoàng Clêmentê VI (1343), hay những Năm Thánh gần đây với sáng kiến của Đức Giáo hoàng Phanxicô, mở Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót (2015 – 2016), tất cả đều có mục đích chung là kêu gọi sự hòa giải, tha thứ, và sự trở về với Thiên Chúa.
Một điểm rất đặc biệt nữa khi đọc cuốn sách này, chính là sự kết nối giữa lịch sử và đức tin trong mỗi Năm Thánh. Tác giả cho thấy mỗi Năm Thánh là một hành trình thiêng liêng, một cơ hội để Giáo hội nhìn lại chính mình, và tìm về nguồn cội của đức tin.
Khi đọc về các Năm Thánh trong quá khứ, tôi cảm thấy một sự liên kết sâu sắc với cộng đoàn tín hữu qua các thế hệ. Dù có những biến động lịch sử, các thử thách mà Giáo hội phải đối mặt, nhưng các Năm Thánh vẫn luôn là thời gian để Giáo hội kêu gọi sự đổi mới, sự hoán cải. Điều này khiến tôi cảm thấy mình không đơn độc trong hành trình đức tin, mà luôn có sự đồng hành của Giáo hội. Đồng thời, tôi cũng cảm nhận được sức mạnh của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa qua những Năm Thánh này – một sức mạnh giúp giải thoát khỏi tội lỗi, và tìm lại sự bình an trong tâm hồn.
Thật vậy, cuốn sách đã khơi dậy những dấu ấn về các Năm Thánh trong dòng lịch sử, và mời gọi tôi suy nghĩ về bản thân trong bối cảnh hiện tại. Làm sao để tôi có thể sống Năm Thánh hiện tại một cách sâu sắc, mà không chỉ đơn thuần là việc tham gia vào các nghi lễ? Cuốn sách khiến tôi phải chất vấn bản thân mình: Tôi đã thật sự tha thứ cho những người đã làm tổn thương mình chưa? Tôi có thực sự sống trọn vẹn đức tin mà mình tuyên xưng hay chưa? Chính những câu hỏi ấy đã thúc đẩy tôi tìm kiếm một sự thay đổi, một sự cải thiện trong đời sống tâm linh của mình.
Lịch sử các Năm Thánh trong dòng lịch sử Giáo hội Công giáo Rôma là một cuốn sách đáng đọc, không chỉ đối với các tín hữu Công giáo, mà còn đối với những ai quan tâm đến lịch sử và văn hóa tôn giáo. Trong bối cảnh Năm Thánh 2025, cuốn sách càng trở nên quý giá và sâu sắc, bởi nó không chỉ nhắc lại lịch sử, mà còn đề cập đến cách thức mà mỗi tín hữu có thể sống trọn vẹn những giá trị của Năm Thánh – đó là sự tha thứ, sự hòa giải, và sự đổi mới trong đức tin./.
M.Mad