1. Lịch sử Hội Dòng Thánh Phaolô (Œuvre de Saint Paul – OSP)
Cha Joseph Schorderet đã tập họp cho tờ báo Công Giáo của ngài một nhóm biên tập viên và cộng tác viên đặc biệt. Họ hành nghề báo chí như một ơn gọi. Ước vọng của ngài là muốn thành lập một HỘI TÔNG ĐỒ BÁO CHÍ, gồm các linh mục, nam nữ tu sĩ, trí thức, nhà văn, biên tập viên, sinh viên sẽ hiến dâng cuộc đời qua ba lời khuyên phúc âm, để phụng sự Chúa và phục vụ con người, hầu quy tụ tất cả dưới vương quyền của Đức Giêsu Kitô. Những nam nữ tu sĩ này sẽ làm việc trong các xưởng và văn phòng nhà in như trong thánh đường theo kiểu các đan sĩ chép sách đời xưa, mặc áo làm việc đã được làm phép và sống cuộc đời cầu nguyện, hy sinh trong Đức Tin và Đức Ái vì lòng yêu mến Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội của Người.
Thế nhưng, kinh nghiệm của những năm đầu chứng tỏ cho cha Joseph Schorderet thấy việc thành lập một Hội Tông Đồ Báo Chí chưa thể thực hiện được. Thật vậy, cha đã gặp không ít khó khăn. Nhiều quan chức hành chánh cấp cao và nhiều giáo sĩ đã chống lại dự định của cha. Một vài linh mục trước đây theo cha để thực hiện “Hội Báo Chí” đã bỏ cuộc.
Trong bầu khí các giới thù nghịch tạo sức ép trên những người điều hành “Nhà in Công giáo Thụy Sĩ” và trên quan điểm của các tờ báo do nhà in này phát hành bị đe dọa, cha Schorderet nhận thấy chính đây là thời điểm Chúa muốn, với những thiếu nữ Hội Con Đức Mẹ do cha linh hướng, và giúp họ trở thành những chiến sĩ của báo chí. Ngày 08.12.1873, 6 chị em đầu tiên đã âm thầm bước theo cha Joseph Schorderet, tuyên giữ lời hứa dùng báo chí để khôi phục triều đại của Đức Kitô. Cha nói với các chị em: “Hỡi các con, các con có can đảm rời bỏ cha mẹ mình, khoác vào mình tấm áo lao động, nhuốm bẩn đôi tay của mình vì lòng yêu mến Đức Giêsu Kitô không? Các con có dám trở thành những người thợ quèn, vì phần rỗi của báo chí không?” (Chương XIII, tr. 29).
Với lòng hân hoan và quảng đại, các thiếu nữ chấp nhận trở nên “Martha và Maria”, cống hiến hết mình cho công việc in ấn vì chính nghĩa của Đức Giêsu Kitô và Giáo Hội Người, theo tinh thần của Thánh Phaolô. Cha Schorderet cảm thấy chị em đã sẵn sàng đón nhận cùng với mình và cho các thế hệ mai sau Ơn ban sống động của Thánh Thần, là đặc sủng của một Hội Dòng. Từ đây, cùng với Cha, các chị xác tín “Báo chí là một sứ vụ tông đồ Kitô giáo, nhà in là một tòa giảng, đối với những người không muốn nghe sự thật trong Nhà Thờ, thì ta phải đi tìm họ, phải rao giảng trên mái nhà”.
Hội Dòng Thánh Phaolô được khai sinh từ đấy với tên gọi ban đầu là “Hội Nữ Công Nhân Thánh Phaolô”. Đây quả là một công việc táo bạo nhất cho thời đại còn rối loạn và cấm cách. Cha nói với các chị: “Các con thân mến, chỉ với các con cha mới thành lập Hội Báo Chí rộng lớn bao la mà cha mơ ước, nhờ đó cha muốn đến với toàn thế giới”.
Năm 1874 “Hội Nữ Công Nhân Thánh Phaolô” đã được Đức cha Etienne Marilley, Giám mục giáo phận Lausanne (Thụy Sĩ) chuẩn y.
Ngày 10.02.1875 Hội đã được Đức Giáo Hoàng Piô IX cổ vũ lần đầu.
Trong chiếu thư ngày 26.03.1879, năm thứ hai của triều đại Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Lêô XIII ban phép lành Tòa Thánh cho mọi thành viên và cho những ai là đối tượng sự chăm sóc của Hội Nữ Công Nhân Thánh Phaolô. Tên gọi chính thức của Hội Dòng theo ý của cha sáng lập là là ŒUVRE DE SAINT PAUL, thường được gọi tắt là Dòng SAINT PAUL.
Năm 1931 Dòng được thiết lập thành một dòng tu theo luật Giáo Hội với sự chuẩn y của Thánh bộ các tu sĩ.
Ngày 01.05.1960 một “Sắc lệnh ban khen” đặt Hội Dòng Thánh Phaolô dưới quyền Tòa Thánh.
2. Lịch sử Hội Dòng Thánh Phaolô-Thiện Bản tại Việt Nam
Ý Thiên Chúa thật nhiệm mầu! Trong những năm 1940, một số chủng sinh Việt Nam theo học và được thụ phong linh mục tại Trường Truyền Giáo Rôma. Trong đó có Cha Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ (sau năm 1954, cha là thư ký Tòa Khâm sứ Tòa Thánh tại Sài Gòn và là thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Rôma), thuộc giáo phận Phát Diệm. Trong thời gian là chủng sinh của Trường Truyền Giáo, các thầy được biết Nhà Sách Saint Paul tại Fribourg, vì đã cung cấp sách học cho các thầy. Sau khi chịu chức linh mục và trước khi trở về Việt Nam, các cha đã đi “du lịch” Thụy Sĩ và ngỡ ngàng khám phá Nhà Sách Saint Paul ở Fribourg, là một hoạt động tông đồ của các Nữ tu Dòng Thánh Phaolô, có Nhà Mẹ ở ngay tại Fribourg.
Cuộc gặp gỡ đầu tiên của Cha Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ với Bề Trên và Phó Bề Trên Tổng Quyền thật là đặc biệt, theo ý Chúa quan phòng. Đây là lần đầu tiên các nữ tu Hội Dòng thánh Phaolô Thụy Sĩ được tiếp xúc với linh mục Châu Á! Các vị Bề Trên đã giới thiệu Hội Dòng với các hoạt động tông đồ nơi nhà in và nhà sách Saint Paul và ngỏ ý xin cha Thụ, khi về Việt Nam tìm gửi ơn gọi cho Hội Dòng. Việc ngỏ ý này trùng hợp với ý định của Đức Cha Anselmô Lê Hữu Từ, Giám mục Phát Diệm. Ngài ước ao mở một nhà in Công Giáo nhỏ cho giáo phận của ngài. Để thực hiện dự định này, Đức Cha Anselmô Lê Hữu Từ đã gởi một thiếu nữ Việt Nam (sau này là nữ tu Catherine-Anselme Trần Thị Kim Bảo) và cũng là ơn gọi đầu tiên từ nước truyền giáo đến Fribourg nhập dòng, vào cuối tháng 9 năm 1949.
Một sự trùng hợp đầy ý nghĩa, vì ngày 30.9.1949, tại Nhà Mẹ Fribourg, có nghi thức dâng hiến của ba nữ tu Saint Paul quốc tịch Thụy Sĩ, được Hội Dòng lần đầu tiên gửi đi truyền giáo tại Yaoundé (Cameroun – Phi Châu). Thật là một sự trao đổi tuyệt vời do Chúa Quan Phòng xếp đặt, giữa Hội Dòng Thánh Phaolô, Giáo Hội Phi Châu và Giáo Hội Việt Nam (3 trong 1).
Tháng 8 năm 1950, Đức Cha Anselmô tiếp tục gửi 4 chị sang Thụy Sĩ nhập Dòng. Đến năm 1967, đã có 11 nữ tu Việt Nam khấn dòng tại Thuỵ Sĩ. Trong khi chờ đợi tình hình chính trị ổn định để có thể thành lập một cộng đoàn tại Việt Nam, như đã dự định, các nữ tu tiếp tục được đào tạo về đời sống tu trì, nghề nghiệp và được gửi đi hoạt động tông đồ tại các nước Phi Châu, Âu Châu nơi có Hội Dòng hiện diện. Sự kiện này như một bước chuẩn bị cho việc lập Hội Dòng Thánh Phaolô (OSP) tại Việt Nam.
Thành lập Hội Dòng Thánh Phaolô-Thiện Bản (OSP)
Đáp lời mời gọi của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn, ngày 30.01.1974, Hội Dòng Thánh Phaolô tại Fribourg (Thụy Sĩ) đã cử ba nữ tu Catherine-Anselme Trần Thị Kim Bảo, Thérèse-Emmanuel Trần Thị Lan và Anne-Irénée Bùi Thị Thảo về Việt Nam thành lập cộng đoàn đầu tiên tại Sài Gòn. Vì hoạt động chuyên biệt của Hội Dòng là sách báo, in ấn, truyền thông, nên Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã thêm từ “Thiện Bản” cho Hội Dòng, với ý nghĩa Dòng Thánh Phaolô-Thiện Bản chuyên về truyền thông, in ấn sách báo tốt.
Dù ở hoàn cảnh nào, các chị vẫn sống tinh thần của Hội Dòng, đều đặn kín múc sinh lực từ nguồn mạch thanh khiết là Thiên Chúa, trung thành tham dự Thánh Lễ mỗi ngày, cầu nguyện trước Thánh Thể mỗi ngày một giờ, giữ các giờ kinh chung, các kỳ tĩnh tâm tháng và năm, tất cả đều nuôi dưỡng, để làm nên, và để quy tụ tất cả trong Đức Kitô.
Vào thời điểm mà Chúa muốn, ngày 02.02.1982 đúng ngày lễ Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thánh, một ơn gọi đầu tiên bước chân vào Hội Dòng, nguyện dâng mình cho Chúa, sống theo gương các chị.
8 năm sau, ngày 03.07.1990, Hội Dòng có quyết định mở Nhà Tập tại Việt Nam. Đây là tin vui cho toàn Hội Dòng và cách riêng cho Hội Dòng ở Việt Nam, và niềm vui cho những mầm ươm ơn gọi đã và đang đến với Hội Dòng.
Ngày 25.01.1999, đánh dấu mốc lịch sử 25 năm Hội Dòng hiện diện tại Việt Nam, số tu sĩ khấn trọn lúc này 4 sơ, 8 sơ khấn lần đầu và các em thỉnh sinh, đệ tử đến tìm hiểu Hội Dòng.
Ngày 25.01.2024, Hội Dòng viết tiếp công trình của thánh Phaolô tại Việt Nam sau 50 năm. Xin cho những gì Thiên Chúa đã gieo qua linh đạo của Hội Dòng được trổ sinh hoa trái.