Đọc cuốn sách Tay trắng tay đen – Nhật ký Châu Phi của linh mục Cao Gia An – Dòng Tên tôi có cùng cảm nhận như nhà văn Khánh Liên: “Nhật ký Châu Phi là một cuốn sách ‘chữa lành’. Chữa lành cho người viết và chữa lành cho người đọc, và những nhân vật trong sách. Thế giới chúng ta nhiều màu sắc nhưng màu nào cũng chung một mong ước là một cuộc sống tươi đẹp. Chúa chính là hi vọng, là Đấng chữa lành thông qua nhiều cách khác nhau như bạn may mắn được đọc cuốn sách này”.
Tay trắng tay đen – Nhật ký Châu Phi là một tác phẩm sâu sắc cho ta những cung bậc cảm xúc khác nhau, không chỉ mang lại sự chữa lành mà tác giả còn giúp ta có những trải nghiệm và cảm nhận về châu Phi rất mầu nhiệm, rất đẹp. Đẹp trong văn hóa, sống động về tập quán, và mầu nhiệm trong lịch sử, ngôn ngữ… một châu Phi xa xôi, đầy thử thách, đầy những khổ đau, cái thiếu, cái bấp bênh và cả những vết thương thể xác, tinh thần, không thiếu những giọt nước mắt trong những trại tị nạn… nhưng cũng đầy những bài học nhân văn sâu sắc,… một châu Phi truyền tải những suy tư về cuộc sống, về con người, và về mối quan hệ giữa văn hóa Đông và Tây… Một châu Phi nghèo khổ, thiếu thốn, đau khổ… nhưng vẫn có thể cùng nhau múa hát ca tụng Chúa trong Thánh Lễ. “Người ta dạy đức tin cho trẻ con bằng cách cho trẻ con nhảy múa trước mặt Chúa, trong nhà thờ, trong thánh lễ, trước mặt cộng đoàn… Bạn có tin không, nhà thờ ở đây luôn đầy ắp người từ hàng ghế đầu trở xuống… Có lẽ trước khi được dạy rằng nhà thờ là nhà của Chúa, người ta đã xác tín nhà thờ là nhà của mình. Bước vào trong ngôi nhà của mình họ sẽ gặp được Chúa.” Một châu Phi rộng lớn, đa dạng. Một châu Phi sần sùi, khắc khổ lại chứa đựng nguồn tài nguyên với khoáng sản lớn, đá quý, hương trầm và ngà voi rất lớn ẩn trong lòng đất… Một châu Phi gánh chịu nhiều thiệt thòi nhưng lại là cái nôi của nhân loại trong lĩnh vực âm nhạc, tác giả viết: “Âm nhạc mang đến cơ hội để sống với thế giới cảm xúc riêng, tùy theo cảm nhận của mỗi người, tùy theo bối cảnh văn hóa và lịch sử riêng của từng người”…
Bên cạnh đó, tác giả đặc biệt miêu tả sinh động cuộc sống của những con người nơi đây, với sự nghèo khó, khổ cực nhưng cũng không thiếu những phẩm chất tốt đẹp như lòng nhân ái, sự kiên cường và niềm hy vọng hết sức bao dung với thù địch, tác giả kể lại trong lần trò chuyện với bác quản thủ thư viện: “Hòa giải và tha thứ là một hành trình dài lắm ông Cha à. Phải vật vã lắm cái thằng giặc có tên thù hận mới chịu buông tha cho mình. Nhưng phải là sự vật vã, phải vật lộn, phải chiến đấu với nó thì mình mới thắng nó được… Và ông Cha biết không, thật ra chính đức tin mới có thể giúp tôi nhìn thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời mình đó, ngang qua tất cả những gì mình đã trải qua. Nếu không có niềm tin vào Thiên Chúa, tôi sẽ chẳng thể nào hòa giải với chính mình và tha thứ cho những người đã tàn hại cả gia đinh mình đâu.” Và còn rất nhiều nhân vật với những ước muốn và khát vọng, mang đầy cảm xúc, có khi thăng, có lúc giáng nơi kiếp sống họ phải chịu. Tất cả đã làm nên một bản nhạc sống động và thanh cao.
Cuốn sách giúp tôi nhận ra Chúa luôn quan phòng và thương xót tôi trên và trong hành trình dâng hiến. Bên cạnh đó giúp tôi nhìn lại thái độ phục vụ mọi người nơi tôi được sai đi như thế nào? Cách thức tôi dấn thân ra sao? Sự cống hiến, lòng thương xót, hay nói đúng hơn tôi có đồng cảm với người khác thực sự không?
Ước mong sao khi tôi đã nhận thấy rõ tình thương, ơn bình an Chúa ban cho tôi, tôi biết đem trao ban cho những người đang ở cùng sống với tôi và nhất là nơi những người tôi có cơ hội gặp gỡ.
M.J XXIII