“Lặng để nghe tiếng Chúa, nói trong, trong tâm hồn ta..
Lặng để ta thấy Chúa, bước đi song song cùng ta…”
Nhạc sĩ Trần Tuấn, qua bài hát “Lặng”, đã diễn ta rất hay về ý nghĩa của những khoảnh khắc lặng cần phải có trong đời người. Lặng bên ngoài, lặng bên trong, lặng của tâm hồn để nghe và để thấy, nghe Chúa và thấy Chúa. Thinh lặng luôn cho con người những cảm xúc thật gần với thiên nhiên, với vũ trụ và với Đấng Tạo Hóa. Lặng cũng là cơ hội cho con người gần nhau hơn, lắng nghe và hiểu nhau hơn.
Thánh Giuse, một người của thinh lặng. Ngài đã được Thiên Chúa chọn làm cha nuôi Con của Người, trong công trình cứu độ. Thánh Giuse đã chu toàn sứ mạng với sự sẵn sàng lắng nghe, tin tưởng, tín thác và thi hành mau mắn theo Lời Chúa phán với ngài trong những giấc mơ, nghĩa là lúc thánh nhân hoàn toàn thinh lặng để cho Chúa lên tiếng.
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Sự im lặng của thánh Giuse là dấu hiệu của tâm hồn chiêm niệm. Sự khiêm nhường thầm lặng của thánh nhân dạy chúng ta dành chỗ trong tâm hồn mình cho Chúa Giêsu, và do đó nhận biết ý muốn của Chúa Cha đối với cuộc sống của chúng ta” (Trích bài giáo lý về thánh Giuse, 15/12/2021)
Thánh Giuse thật là một con người của sự thinh lặng thánh thiện. Ta không tìm thấy lời nào của ngài trong Kinh Thánh, nhưng hình ảnh của ngài được nói đến như một kiểu mẫu về việc chú ý lắng nghe Lời Chúa và hành động theo lời đó. Sự im lặng của thánh Giuse là mẫu gương tuyệt vời của những tâm hồn cầu nguyện, của những ai muốn chọn ý Chúa là hướng đi, là cùng đích cho cuộc mình.
Thánh nhân không nói, nhưng ngài đã hành động, và do đó thể hiện điều Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ của Người: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21)
“Sự thinh lặng của thánh Giuse không phải là sự khuyết tật, không phải là sự lầm lì; đó là một sự im lặng đầy lắng nghe, một sự im lặng cần cù, một sự im lặng bộc lộ nội tâm cao cả của ngài” (ĐGH Phanxico, Trích bài giáo lý về thánh Giuse, 15/12/2021)
Thánh Giuse đem lại cho chúng ta môt sự cảm phục sâu xa về một đời sống nội tâm, nhạy bén với thánh ý của Chúa, mạnh mẽ và dứt khoát trong cách hành động, vì đã nghe được Lời Chúa phán. Qua thánh Giuse, chúng ta nhận ra giá trị đích thật của sự thinh lặng.
Giáo hội đã dành cho ngài một sự tôn kính rất đặc biệt, qua 2 thánh lễ dành riêng và dành trọn tháng 3 hằng năm để mời gọi các Kitô hữu hướng về ngài. Các tín hữu đều yêu mến và đến với ngài như là hình ảnh của một người cha, người bảo trợ, người chuyển cầu, vì cùng với Đức Mẹ, thánh nhân là người ở gần bên Chúa nhất. Sự khiêm nhường thầm lặng của thánh nhân dạy chúng ta dành chỗ trong tâm hồn mình cho Chúa Giêsu.
Có rất nhiều điều trong cuộc sống, ta chỉ có thể nghe được khi thật thinh lặng: thinh lặng khỏi những tiếng ồn ào, thinh lặng khỏi những bận rộn, khỏi những lo lắng của cuộc sống, công việc, sứ vụ… Đặc biệt có lẽ đó là sự thinh lặng của nội tâm, của tâm hồn. Khi thật sự thinh lặng, ta sẽ nghe được rất nhiều âm thanh khác nhau: tiếng của muôn loài, tiếng của tạo vật, tiếng chuyển mình của thiên nhiên… Sâu xa hơn, ta sẽ nghe được tiếng kêu của những người nghèo, người đau khổ, nghe được tiếng lòng của họ, tiếng thổn thức mà đôi khi họ không thể diễn tả bằng lời…
Thế nhưng, ngày nay, dường như người ta rất sợ phải thinh lặng, sợ phải ở một mình, có lẽ vì người ta sợ phải nhìn sâu vào chính mình, sợ phải đối diện với phần chân thật nhất của mình, sợ đối diện với lương tâm, với Thiên Chúa. Chính vì thế, có nhiều người chạy trốn sự thinh lặng bằng cách luôn làm cho mình phải bận rộn, phải nói, hoặc nghe, hoặc xem gì đó… Dù vậy, thinh lặng luôn có một giá trị đặc biệt trong đời sống thiêng liêng, trong nội tâm của mỗi chúng ta, và cách riêng là trong hành trình bước theo Chúa của những người sống đời thánh hiến.
Trong hành trình nội tâm của một người tu sĩ, không thể thiếu những khoảnh khắc thinh lặng. Không chỉ thinh lặng trong những giờ chung, những giờ cầu nguyện riêng, mà phải giữ lòng mình luôn bình lặng trong mọi nơi mọi lúc. Thinh lặng của không gian bên ngoài, tránh những tiếng ồn ào, náo động… và nhất là thinh lặng bên trong tâm hồn, thinh lặng của nội tâm. Vì chỉ trong thinh lặng, ta mới có thể gặp gỡ Đấng mà ta đã nguyện bước theo; chỉ trong thinh lặng, ta mới nhận ra được tiếng Người, lắng nghe và thi hành những điều đẹp ý Người.
Linh mục Giuse Schorderet, Đấng Sáng Lập Hội Dòng Thánh Phaolô-Thiện Bản, cũng căn dặn con cái của ngài “Thời gian thinh lặng được coi như một đòi hỏi của tình yêu để lắng nghe Chúa nói trong tâm hồn” (Trích Hiến Chương, số 52)
Hành trình ơn gọi của người tu sĩ có lẽ luôn đan xen giữa vui – buồn, hạnh phúc – đau khổ, có những khoảnh khắc êm đềm lặng lẽ, nhưng cũng có những khi ồn ào dậy sóng… “Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc các tín hữu rằng, chúng ta cũng được kêu gọi thực hiện sự thinh lặng nội tâm và chăm chú lắng nghe Lời Chúa, kẻo những lo lắng, cám dỗ và sợ hãi hàng ngày khiến lời nói của chúng ta lạc lối và gây tổn thương cho người khác” (Trích bài giáo lý về thánh Giuse, 15/12/2021)
Trong cõi thâm sâu của tâm hồn, ta khao khát nghe được tiếng Chúa. Nếu lòng ta còn quá nhiều xáo trộn, ta sẽ không thể nghe được tiếng Người. “Chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường” (Mt 12,19). Những giờ lắng đọng bên Thánh Thể Chúa, ẩn mình thật sâu trong Trái Tim của Người, ta sẽ lắng nghe và nhận được ân sủng, sức mạnh giúp ta vững vàng tiến bước.“Hãy dành thời gian nghỉ ngơi và cầu nguyện thầm lặng để nhận được ân sủng của Thiên Chúa” (ĐGH Phanxicô, 21/7/2024)
Thinh lặng nhìn sâu vào lòng mình để rồi sẵn sàng đi ra, đến với những tâm hồn đang rất cần được lắng nghe, được thấu hiểu. Lẽ thường, ai cũng thích nói hơn là nghe, bởi khi nghe, ta phải chấp nhận lùi lại, nhường không gian cho người khác. Khi lắng nghe, ta cần từ bỏ mình, sẵn sàng đi vào câu chuyện của người đối diện, sẵn sàng mang lấy những ưu tư lo lắng của họ, trở thành “người thân cận” của họ. Thế giới, xã hội hôm nay rất cần có những người, cách riêng là những tu sĩ có một đôi tai và một trái tim biết chạnh lòng như Chúa Giêsu, để những người đau khổ nhất có thể tìm được sự sẻ chia, nâng đỡ và ủi an…
Như thánh Giuse, người đã chu toàn thật tốt sứ mạng mà Thiên Chúa đã trao phó bằng một tâm hồn biết lắng nghe và một tâm thế luôn sẵn sàng lên đường, thì những người môn đệ của Chúa hôm nay, cũng phải giữ cho tâm hồn mình thật bình lặng, để có thể trở thành một “đôi tai khác” của Chúa đối với tất cả anh chị em mình.
Tháng 3 năm nay cũng là thời gian bước vào Mùa Chay Thánh, Giáo hội mời gọi các Kitô hữu hãy đi vào sa mạc, để trong thời gian lắng đọng, chúng ta sẽ gặp được Đấng đang chờ đợi chúng ta, Đấng mời gọi chúng ta hoán cải và canh tân, để cùng với anh chị em mình, sẵn sàng tiến bước trong hy vọng. Trong Sứ điệp Mùa chay 2025 với chủ đề: “Đồng hành trong hy vọng”, Đức Thánh cha Phanxicô mời gọi các tín hữu trong toàn Giáo hội đặc biệt xét mình về sự đồng hành với người di dân, hiệp nhất với nhau, và sống niềm hy vọng một cách cụ thể. Ta không thể làm được những điều này nếu ta không dành những thời gian thinh lặng để đi vào nội tâm mình, để nhận ra mình là ai trong mối tương quan với Chúa, với chính mình và với tha nhân.
Ước mong mỗi giây phút trong đời, ta luôn dành cho Chúa những khoảng lặng để Người có thể đi vào thật sâu trong lòng ta, chính nơi đó, Người sẽ chỉ cho ta biết ta phải làm gì.
Tp. HCM, ngày 07/03/2025
Sr. Marie-Albert