Tuần linh thao trên đồi Mai Anh khép lại, nhưng những điều còn đọng lại trong tôi thì vẫn đang tiếp tục vang vọng, len lỏi vào từng khoảng lặng của tâm hồn. Khó có thể gọi tên trọn vẹn tất cả những gì đã diễn ra nơi đây. Tôi chỉ biết một điều thật rõ: tôi đã được trở về: Về với Chúa, tôi cảm nhận tình yêu Người dành cho tôi. Về với Chúa, tôi tìm lại được chính mình.
1. Thiên Chúa yêu con người thật của tôi
Giữa không gian tĩnh lặng và thiêng liêng của đồi Mai Anh, tôi được mời gọi dừng lại và thinh lặng. Một tiếng thì thầm rất nhẹ trong sâu thẳm tâm hồn: “Con là của riêng Ta”. Và thật lạ, trong sự thinh lặng ấy, tôi cảm thấy bình an. Một sự bình an không đến từ hoàn cảnh, mà từ việc tôi biết rằng có một Đấng vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi tôi, ôm lấy tôi, dù tôi có thế nào đi chăng nữa. Tôi cảm nhận rõ: Thiên Chúa yêu con người thật của tôi.
Chúa yêu tôi không vì tôi thánh thiện hay hoàn hảo, cũng không phải vì tôi làm được điều gì đáng kể. Dù tôi bất toàn, yếu đuối, tôi vẫn được Chúa trân trọng và đón nhận. Ngài nói: “Trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43,4). Tình yêu ấy không đòi hỏi, không mặc cả, không điều kiện. Chúa dõi theo từng bước, lặng lẽ chuẩn bị mọi điều cần thiết để tôi được sống vui vẻ, bình an và hạnh phúc.
Tôi cảm nghiệm được rằng Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi. Dù tôi quên Ngài, Ngài không quên tôi. Dù tôi lạc hướng, Ngài vẫn âm thầm dẫn dắt. Dù tôi đóng cửa lòng mình, Ngài vẫn kiên trì gõ cửa. Ngài không ngừng tìm kiếm và nhẹ nhàng đặt tôi trở lại trong vòng tay đầy yêu thương của Ngài. Tình yêu đó thật khó hiểu, nhưng càng ở lại đó, tôi càng muốn đáp lại, dù chỉ bằng chút tình yêu nhỏ bé của mình. Như Thánh Phaolô xác tín: “Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 8,39).
Tôi đã từng hỏi: vì sao Con Thiên Chúa lại xuống thế làm người? Vì sao Ngài lại chấp nhận bị khinh chê, sỉ nhục và chịu chết trên thập giá? Chỉ vì yêu. Yêu đến mức không ngại nhục nhã, không tiếc mạng sống. Ngài đã tự hủy mình, mặc lấy thân phận tôi đòi… vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự (x. Pl 2,7-8) để cứu con người khỏi vũng lầy nhơ nhớp (tội lỗi), để con người được hưởng niềm vui cứu độ. Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, để con người được trở nên con Thiên Chúa.
Chính khi cảm nếm tình yêu tự hạ ấy, tôi không thể không thưa lại: “Lạy Chúa, con xin theo Ngài”. Không phải vì bị bắt buộc, nhưng vì tình yêu ấy đánh động tôi.
Tôi bắt đầu nhận ra từng điều nhỏ bé trong đời sống đều mang dấu ấn của một tình yêu. Ngài dường như không ngừng làm việc để tạo ra những điều mới mẻ, bất ngờ cho tôi. Từ hơi thở, sức khỏe, trí tuệ, từng người tôi gặp, cả những nghịch cảnh… không gì là ngẫu nhiên. Tất cả đều mang dấu vết của bàn tay yêu thương và chăm chút. Chúa không làm việc theo kiểu chung chung. Ngài làm mọi điều cách riêng cho tôi, từng chút một. Và Ngài làm vì yêu.
Từ đó, tôi học sống với lòng biết ơn: biết ơn vì Chúa không bỏ rơi tôi, biết ơn vì Ngài yêu cả sự yếu đuối nơi tôi, và biết ơn vì chính tình yêu Ba Ngôi đã làm nên tôi là một hữu thể có khả năng bước vào tương quan, có khả năng yêu và được yêu.
Chính trong tình yêu ấy, tôi được mời gọi bước ra khỏi vùng an toàn của mình, yêu như Ngài yêu. Có những người tôi không dễ gần, thậm chí không muốn gần nhưng Chúa lại đặt họ vào đời tôi như những bài học sống động về tình yêu. Tôi học cách yêu họ không phải bằng cảm xúc, mà bằng hành động. Yêu là chấp nhận hy sinh, là học cách điều chỉnh chính mình để đi cùng người khác. Là khi tôi thấy họ, dù trong lòng còn ngần ngại, vẫn cố gắng nở một nụ cười. Là khi tôi tự nhủ: hãy thử thêm một lần nữa để hiểu họ, để dám ở lại với họ trong sự khác biệt và giới hạn của họ – cũng như Chúa đã ở lại với tôi.
Tình yêu không còn là một lý thuyết đẹp mà giờ đây là một hành trình khó nhọc nhưng đầy ý nghĩa. Thánh Phaolô dạy: “Đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4). Tôi học cách sống vì người khác, nghĩ đến người khác, ngay cả khi điều đó không dễ dàng. Thật kỳ diệu, càng yêu, tôi càng được biến đổi. Nhờ những người mà tôi tưởng chừng không thể yêu, tôi lại hiểu lòng mình và hiểu về trái tim nhân hậu của Thiên Chúa hơn. Và như thế, chính khi trở về bên Chúa, tôi tìm lại chính mình trong ánh nhìn đầy xót thương của Đấng đã yêu tôi đến cùng.
2. Tìm lại căn tính của mình
Trong bầu khí thinh lặng và thiêng liêng, tôi bắt đầu nghe rõ hơn tiếng Chúa đang gọi: “Ngươi ở đâu?” (St 3,9). Câu hỏi ấy chạm vào nơi sâu nhất trong lòng tôi, nơi tôi đã từng trốn tránh, nơi tôi không muốn đối diện, nơi tôi đã để hình ảnh Thiên Chúa nơi mình bị bôi nhòe bởi những vết thương, bởi tự ái, kiêu ngạo, mặc cảm, sợ hãi, giận hờn… Có những vết thương chưa được chữa lành, có những lời nói xúc phạm, loại trừ từng khiến tôi gục ngã. Nhưng tôi biết: Tôi cần đứng lên, không phải bằng sức riêng, mà bằng sức mạnh của một người đã được yêu và đang được phục hồi. Tôi không thể thay đổi quá khứ, nhưng tôi có thể sống hôm nay như một lời đáp trả.
Thánh Gioan Thánh Giá từng nói: “Lòng mình dính bén điều gì thì sẽ chiêm ngắm cái đó.” Tôi đã từng bám víu vào thành công, vào cái nhìn của người khác. Nhưng tất cả những điều đó chỉ khiến tôi xa dần hình ảnh mà Thiên Chúa đã khắc ghi nơi tôi: hình ảnh của một người con. Tôi đánh mất sự tự do nội tâm, và thay vào đó là sợ hãi, lo âu, căng thẳng.
Nhưng thật kỳ diệu, Chúa vẫn luôn đi bước trước. Ngài không ngồi ở ngai cao để xét xử, nhưng cúi xuống để tìm kiếm tôi, như một người cha đi dạo trong vườn, khát khao trò chuyện với đứa con đang ẩn mình. Ngài không trách mắng, không làm tổn thương, nhưng nhẹ nhàng mời gọi. Chúa Giêsu, Đấng treo mình trên thập giá, chính là lời mời tha thiết nhất. Ngài luôn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng (x. Ga 13,1). Trước thập giá, tôi chỉ có thể thốt lên: “Lạy Chúa, con xin lỗi Ngài vì những hiểu lầm, vì những lúc con trốn chạy, vì những vết thương mà con đã gây ra cho chính mình và cho người khác.”
Tôi nhận ra: Căn tính của tôi không nằm trong những việc tôi làm, không nằm trong hình ảnh mà tôi cố xây dựng nơi người khác, nhưng nằm ở sự thật này: Tôi là con Thiên Chúa. Đó là phẩm giá bất khả xóa nhòa. Tôi được yêu, được chọn và được sai đi.
Là tu sĩ, tôi càng cần sống trung thực với căn tính ấy. Mỗi lời nói, hành động, tương quan… đều phải mang dáng dấp của Đấng tôi thuộc về. Không phải là một khuôn mẫu cứng nhắc, nhưng là trái tim hiền lành và khiêm nhường như Thầy Giêsu. Tôi muốn sống như một người môn đệ, mang con tim hiến dâng, sẵn sàng phục vụ trong âm thầm, nhạy bén với nhu cầu của người khác, và nhất là luôn để Chúa là trung tâm của đời mình. “Tôi sống, nhưng không còn là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Đó chính là căn tính mà tôi muốn giữ trọn suốt cuộc đời mình.
Tuần linh thao khép lại, nhưng một cánh cửa mới đang mở ra cho tôi: cánh cửa của đời thánh hiến, của việc lặp lại lời tuyên khấn trong tình yêu và tự do. Trong sự hiện diện thân thương của quý chị em trong Hội Dòng, tôi cảm nhận rất rõ: “Chúa đã yêu tôi trước” (x. 1Ga 4,19) và chính tình yêu ấy đã dẫn tôi đến giây phút đầy ân sủng này. Tôi thầm dâng lời tạ ơn: “Tình thương Chúa đời đời con ca tụng” (Tv 89,2).
Nguyện xin tình yêu Ba Ngôi luôn gìn giữ tôi trong ơn gọi thánh hiến, để mỗi ngày tôi sống như một người con, một người tu sĩ thuộc về Chúa, với con tim hiến dâng, khiêm tốn phục vụ và trọn vẹn tín thác.
Thérèse-Gabrielle